Lịch sử của thiếp mừng năm mới
Danh mục bài viết
Từ lâu, việc gửi thiệp chúc mừng nhân các ngày lễ lớn, đặc biệt là năm mới đã thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới.
Theo website của Bộ Văn hóa Pháp, từ thời xa xưa, tổ tiên loài người đã biết gửi cành lá cây thay cho những lời chúc mừng. Đến thế kỷ XVIII, nhờ có sự ra đời và phát triển của công nghệ in ấn và tiếp đến là ngành bưu điện, bưu thiếp chúc mừng bằng giấy được ra đời, thay thế cho cành lá cây. Để tỏ lòng tri ân khách hàng, cánh lái buôn là những người đầu tiên gửi thiếp chúc mừng Năm mới đến các “thượng đế” của mình.
Năm 1796, Aloys Senefelder, một diễn viên kiêm nhà sáng tác kịch đã hoàn thiện được kỹ thuật in thạch bản (còn gọi là in offset, khắc trên bản đá, bôi mực rồi áp vào giấy), cho phép sản xuất hàng loạt các tranh, hình, văn bản, tạo tiền đề cho các tấm bưu thiếp ra đời.
Tuy nhiên, phải đến năm 1843, chiếc bưu thiếp chúc mừng bằng giấy đầu tiên mới xuất hiện. Đó là một bức tranh nhỏ của danh họa John Calcott Horsley, người Anh, vẽ theo yêu cầu của công tước Sir Henry Cole, có hình một gia đình đang nâng cốc chúc sức khỏe mừng ngày Giáng sinh.
Sau đó 17 năm, tấm thiếp chúc mừng Năm mới in màu đầu tiên ra đời tại Mỹ vì lúc đó, ở xứ cờ hoa, người ta thường gửi thiếp chúc mừng cho nhau nhân dịp năm mới, hơn là vào dịp Noel. Tấm thiếp này do ông Louis Prang, một người Đức làm nghề in ấn, di cư sang Mỹ vào năm 1850, thiết kế. Năm 1860, ông Prang lập một xưởng in ở thành phố Boston, bang Massachusetts và bắt đầu in những chiếc thiếp chúc mừng nhiều màu sắc.
Giới sử học cho biết lúc đầu, phong tục gửi thiếp theo kiểu Anh nở rộ tại châu Âu nhưng lại khá muộn màng tại Pháp. Bởi vì lúc đó, nước Pháp vẫn duy trì một truyền thống riêng biệt có từ cổ xưa đó là trong 15 ngày đầu tiên của năm mới, họ đi thăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp… và mang quà cho người nghèo, người ốm đau. Nếu không gặp thì để lại tấm danh thiếp với góc trên bên phải bị bẻ quặp. Tuy nhiên, nhiều người khi đó không cảm thấy thoải mái với những cuộc viếng thăm đầu năm, cho rằng nó gò bó, bắt buộc, không tiện lợi. Vì vậy, một thói quen mới ra đời đó là cứ vào ngày mồng một tháng giêng, người ta viết lời chúc mừng lên danh thiếp, rồi nhờ người gác cổng khu nhà ở của người thân chuyển. Phải đến những năm 30 của thế kỷ trước, dân Pháp mới có thói quen dùng bưu thiếp, có in hình vẽ màu sắc.
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của tin học, Internet, mạng xã hội, máy tính, điện thoại di động, người ta đã gửi cho nhau những tấm thiếp chúc mừng điện tử. Chúng có lợi thế là nhiều hình dáng, mẫu mã, có thể lưu giữ trong một thời gian dài. Song nhiều người cho rằng việc gửi thiếp điện tử giống như những món ăn nhanh, công nghiệp, nhưng không mấy sang trọng, chân tình.
Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, phong tục gửi thiếp chúc mừng vẫn tồn tại cho đến ngày nay bởi thực tế nó vẫn phù hợp với thế giới hiện đại. Đặc biệt tầm quan trọng của những chiếc thiếp này còn được nâng cao hơn do ngày càng có nhiều người có người thân, bạn bè sống và làm việc ở nhiều nơi khác nhau. Và với họ, việc gửi một bưu thiếp, với những lời cầu chúc tốt đẹp vẫn là một cử chỉ cao đẹp, thể hiện tình cảm chân thành.